Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa thay thế quy định cũ có điểm gì mới?
Dự thảo Thông tư về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
So sánh quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư mới và Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư mới | Quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT |
1. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng. | 1. Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. – Tổ chuyên môn cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 sách giáo khoa cho mỗi môn học. – Cơ sở giáo dục phổ thông họp với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa. |
2. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trước khi thực hiện. | 2. Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn. |
Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục phổ thông tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó. | |
Chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. | |
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 01 sách giáo khoa cho môn học đó: Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 (một phần hai) số giáo viên trở lên bỏ phiếu lựa chọn. | |
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập danh mục lựa chọn sách giáo khoa. | |
3. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; thẩm định biên bản họp của tổ chuyên môn, các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn thành biên bản, biên bản có chữ ký của Chủ tịch và Thư kí Hội đồng. | 3. Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp. |
4. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông tư này. | 4. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa: – Chủ tịch Hội đồng giao các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng. – Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. – Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo. |
5. Cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). | 5. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. |
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương trước ngày 30/4 hàng năm. | 6. Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương. |
Một số điểm mới của dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa:
Thứ nhất, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của các trường do hiệu trưởng thành lập, mỗi trường là một hội đồng. Điều này khác với Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa”. Việc để Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa đã gây ra nhiều tranh cãi và được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất giao quyền lựa chọn sách cho các nhà trường và giáo viên.
Thứ hai, quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư đề cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn và giáo viên bộ môn. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý kiến của giáo viên trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa.
Thứ ba, quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư khá chặt chẽ, bao gồm các bước như xây dựng kế hoạch, tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa, Hội đồng đánh giá việc lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn, Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục danh mục sách giáo khoa, và cuối cùng là sự xem xét và quyết định từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thứ tư, dự thảo Thông tư loại bỏ nội dung về việc hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa và bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Thay vào đó, sẽ có quy trình đề xuất danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn và được người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phê duyệt.
Thứ năm, theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ đăng tải danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm giúp học sinh và phụ huynh dễ dàng trong việc mua sách giáo khoa vào đầu năm học.
Thứ sáu, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường có quyền đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục sách. Đây cũng là một điểm mới của dự thảo Thông tư, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục linh hoạt trong việc điều chỉnh sách giáo khoa theo tình hình cụ thể của học sinh và địa phương.